NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC

HÃY ĐỂ GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC LAN TỎA YÊU THƯƠNG

            Trong đời sống xã hội ngày càng phát triển,nhu cầu hạnh phúc là đích đến của mỗi người và con người dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, đều ước muốn mình được hạnh phúc.

            Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: Sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

            Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc, còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau – là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Bởi vậy, ngày 20/3 – Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

            Việt Nam là quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử, do đó không hề xa lạ với mục tiêu hạnh phúc. Kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đến nay, “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. ” Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó cũng luôn là mục tiêu, là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Chủ đề của ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2023 là Hạnh phúc cho mọi người. Khẩu hiệu là: Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc; tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn. Các nội dung tuyên truyền năm nay gồm: Nêu gương người tốt, việc tốt; các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.

            Gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội cần phải thực hiện tốt chức năng giáo dục, xã hội hóa các thành viên trong gia đình mình, xây dựng thiết chế, những giá trị đạo đức và truyền thống của từng gia đình. Chỉ khi trong gia đình bố mẹ yêu thương con, con kính trọng và thương yêu bố mẹ, biết giúp đỡ mọi người; chỉ khi trong gia đình mọi người sống vì nhau, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, thì lúc đó mối quan hệ giữa các thành viên mới bền chặt, những mầm mống của tệ nạn xã hội mới không nảy sinh và phát triển được.

            Trong thời đại ngày nay, khi nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, khẩu hiệu hành động của mỗi thành viên trong xã hội là sống, lao động và học tập theo hiến pháp và pháp luật thì mỗi người thành viên trong gia đình cần thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

            Giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, đặc biệt là trẻ em. Những trẻ em không được giáo dục toàn diện trong gia đình sẽ dễ dàng bị lôi kéo vào con đường phạm tội và tệ nạn xã hội. Trong những gia đình, những người lớn như cha mẹ, ông bà không gương mẫu, có những hành vi phi pháp sẽ là môi trường tiêm nhiễm dẫn đến phạm tội và tệ nạn xã hội cho trẻ em.

            Thực tế cho thấy, khi gia đình buông lỏng quản lý, không chú ý giáo dục tốt các thành viên trong gia đình sẽ dẫn đến những hậu quả là con em mình rất dễ vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ: buông lỏng quản lý con em trong hoạt động tham gia các dịch vụ về văn hóa (karaoke, vũ trường, phim ảnh…) sẽ dẫn đến hậu quả là sa đà vào tệ nạn xã hội…

            Chúng ta lại càng xót xa hơn trước hung tin một vụ án ở quận 12, TP Hồ Chí Minh ngày 30.3 vừa qua trước hành vi man rợ của đứa con đã khiến người mẹ tử vong tại chỗ.

            Thế nhưng cuộc sống vẫn rất công bằng và rất đẹp.

            Tấm gương anh Phạm Sỹ Long (SN 1988) – một người khuyết tật nặng ở thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với sự giúp đỡ của mẹ đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.

            Còn nhiều, nhiều nữa trong cuộc sống thầm lặng xung quanh ta những tấm gương của những bạn trẻ hết lòng cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội. Họ – những hạt giống đỏ được ươm mầm trên mảnh đất yêu thương của gia đình, vòng tay của xã hội. Chính họ sẽ là những nhân tố tích cực đưa Việt Nam lên tầm mới trong các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao.

Tác giả: Nguyễn Thị Huỳnh Anh Thư