GS.NGND Nguyễn Cảnh Toàn với dạy học sáng tạo và tự học suốt đời

Các nhà giáo lão thành chủ trì Hội thảo "GS.NGND Nguyễn Cảnh Toàn với dạy học sáng tạo và tự học suốt đời"Các nhà giáo lão thành chủ trì Hội thảo “GS.NGND Nguyễn Cảnh Toàn với dạy học sáng tạo và tự học suốt đời”

GD&TĐ – Đây là chủ đề hội thảo rất ý nghĩa được Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) tổ chức sáng nay (30/9), tại Hà Nội.

GS.NGND Nguyễn Cảnh Toàn (28/9/1926) – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục (cũ), một trong những người sáng lập Hội Toán học Việt Nam – là nhà Toán học, nhà sư phạm, nhà quản lý giáo dục, nhà giáo tài năng.

Đưa ra nhận đình này, GS Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội) cho biết, nói đến GS.NGND Nguyễn Cảnh Toàn là nói đến những đóng góp được đúc kết trong nhiều công trình khoa học tiêu biểu về lĩnh vực Toán học và khoa học giáo dục.

Với sự nhạy cảm khoa học đặc biệt, GS.NGND Nguyễn Cảnh Toàn đã phát hiện ra nhiều nội lực tiềm ẩn và các quy luật chi phối chúng; đã chỉ đạo kiên quyết và kiên trì thực hiện nhiều chủ trương táo bạo, phản ánh tư duy chiến lược giáo dục rất phong phú, có nhiều điểm độc đáo mang màu sắc Việt Nam…

Theo thầy PGS.TS Vũ Quốc Chung – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội – GS Nguyễn Cảnh Toàn là một trong số ít người có đóng góp đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam nói chung và đào tạo bồi dưỡng giáo viên nói riêng.

Những cống hiến quý báu đó có thể kể đến việc đề xuất tư tưởng chiến lược giáo dục các thế hệ trẻ Việt Nam về học Toán và sáng tạo Toán học; đề xuất một số triết lý về giáo dục nói chung và đào tạo bồi dưỡng nói riêng ở Việt Nam…

PGS Phan Trọng Ngọ (Trường ĐHSP Hà Nội) thì nhấn mạnh đến mô hình đào tạo giáo viên theo phương thức “vừa học vừa làm”, dựa trên sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với nhà trường phổ thông. Dù mô hình do GS Nguyễn Cảnh Toàn đề xuất và thực nghiệm chỉ tồn tại trong 10 năm, nhưng nguyên lý và những điểm cốt lõi của nó đang hiện diện trong nhiều mô hình đào tạo giáo viên hiệu quả trên thế giới.

Thầy Lê Công Sự (Khoa Giáo dục Chính trị, Trường ĐHSP Hà Nội) nhắc đến GS Nguyễn Cảnh Toàn với quan niệm mang tính giao thoa, tích hợp giữa truyền thống và hiện đại. GS đã sớm nhận ra rằng, việc dạy học phải kết hợp hài hòa với nghiên cứu khoa học, nếu như muốn rèn luyện tư duy sáng tạo cho người học. Từ đó cho rằng, giáo viên dù dạy ở cấp nào cũng phải hoạt động nghiên cứu khoa học.

Với suy nghĩ đó, GS Nguyễn Cảnh Toàn là người đề ra chủ trương đưa hoạt động nghiên cứu khoa học vào trường phổ thông, trường trung cấp sư phạm.

Bên cạnh đó, nhận thức rõ vai trò tự học như là yếu tố quyết định chất lượng học tập, GS Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng , ở Việt Nam không thể coi giáo dục từ xa là “phi chính quy”. Trái lại, với nước còn nghèo mà hiếu học như Việt Nam thì giáo dục từ xa là phù hợp.

“Tinh thần tự học của GS.NGND Nguyễn Cảnh Toàn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học sinh, đạo đức và tâm huyết nghề nghiệp của ông thật đáng khâm phục, kính nể. Còn tư duy chiến lược giáo dục thì phong phú, sáng tạo, mang sắc thái dân tộc, phù hợp với tâm lý, hoàn cảnh Việt Nam” – thầy Lê Công Sự nhấn mạnh.